TT - Khẳng định giá trị bản thân thông qua món đồ mình sử dụng, giúp hình thức của mình thêm sang, thêm đẹp là điều ai cũng thích, nhất là các bạn trẻ.
Điều đó chẳng có gì sai nếu bạn đủ khả năng chi trả cho nhu cầu thể hiện bản thân. Với mức lương hơn ngàn đôla/tháng, bạn tôi - chuyên viên tư vấn một công ty đa quốc gia - cho rằng số tiền bỏ ra để sở hữu những món hàng thương hiệu cao cấp, mẫu mã đẹp, độ bền cao và khẳng định được giá trị người sử dụng là chấp nhận được.
Tôi cũng vậy. Kiếm tiền kha khá bằng chính sức lao động chân chính của mình, tôi hoàn toàn xứng đáng cho việc sở hữu một chiếc túi hàng hiệu có giá rất cao. Liệu tôi có hoang phí, chơi nổi?
Theo tôi, hàng hiệu không phải là sự phô trương kệch cỡm các giá trị vật chất mà là sự tinh tế và cá tính người dùng. Đấy chính là lúc đẳng cấp thể hiện rõ ràng nhất, giúp đưa khái niệm hàng hiệu trở về đúng bản chất của nó.
Dẫu vậy, một món hàng hiệu không thể nói lên hoàn toàn giá trị thật của bạn. Giống như cách người ta đánh giá giá trị của một món hàng hiệu: giá trị thật sự của một con người được đúc kết từ rất nhiều yếu tố: trình độ học vấn, cách hành xử, lối nói chuyện đến cung cách làm việc, sinh hoạt... Nếu chỉ là một người kém văn minh, thiếu tế nhị thì dù có sử dụng hàng hiệu đắt tiền đến đâu thì món hàng đó cũng chỉ làm tăng thêm sự kệch cỡm, phô trương thiếu đẳng cấp mà thôi.
Có nhiều người khắt khe, thường dè bỉu những người xài hàng quá đắt tiền. Vậy có nên không? Xin đừng lầm những tín đồ hàng hiệu chân chính với những "con thiêu thân” chí chết lao đầu vào hàng hiệu bằng mọi giá, kể cả đánh đổi bản thân.
HOÀNG Q.
|